Tội vứt bỏ thi thể ở Nhật (Điều 190, BLHS Nhật)
Mấy ngày hôm nay đọc các tin liên tiếp về các cô gái người Việt Nam vứt bỏ con của mình mà đau lòng. Không bàn về việc các bà mẹ này có trực tiếp, cố ý gây ra cái chết của con mình, cũng như không bàn về vấn đề đạo đức, hôm nay tôi sẽ giới thiệu khung hình sự tội vứt bỏ thi thể ở Nhật.
Thông thường báo chí, cảnh sát sẽ không kết luận tội “giết người” nếu không có chứng cứ rõ ràng nhưng lại rất nhanh kết luận là nghi can cho nhóm tội vứt bỏ thi thể “死体遺棄罪、したいいきざい”, vì tội vứt bỏ thi thể rất dễ cấu thành tội phạm. Với mục đích pháp luật cần bảo vệ sự tôn nghiêm, giá trị nhân quyền của người chết, cũng như tình cảm thành kính của công chúng đối với một đã khuất, luật hình sự quy định khung tội cho tội “vứt bỏ thi thể” rất nghiêm khắc. Cụ thể, điều 190 BLHS Nhật Bản có quy định: Người có hành vi xâm hại, vứt bỏ, đánh cắp thi thể, di cốt, tóc, hoặc những vật được an táng trong quan tài chịu hình phạt dưới 3 năm tù giam (死体、遺骨、遺髪又は棺に納めてある物を損壊し、遺棄し、又は領得した者は、三年以下の懲役に処する。).
Nếu so sánh với luật hình sự Việt Nam, ta có thể thấy nội dung tương tự. Cụ thể, điều 319, mục 1 Bộ Luật hình sự Việt Nam :1. Người nào đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Tuy nhiên khi đọc kỹ ta có thể thấy so với BLHS Việt Nam, BLHS Nhật Bản nghiêm khắc hơn rất nhiều, khi quy định “vứt bỏ thi thể” đã vi phạm luật hình sự. Cụ thể tại Nhật nếu những người có trách nhiệm trong việc mai táng cho thi thể (ví dụ người thân, người giám hộ, các cơ quan chủ quản,…) không thực hiện nghĩa vụ mai táng này thì đã vi phạm điều 190 BLHS. Ở đây tội hình thành do không hành động (不作為犯、ふさくいはん) , tương tự với những hành vi không chăm sóc con cái để con đến chết. Bên cạnh đó nếu những người không có trách nhiệm mai táng cho thi thể nhưng nếu di dời, có hành vi che dấu thi thể cũng hình thành tội “vứt bỏ thi thể” ở điều 190.
Qua đó có thể thấy người không có trách nhiệm mai táng cho thi thể, nếu không mai táng thì không bị khép tội. Tuy nhiên trong trường hợp người không có trách nhiệm mai táng cho thi thể biết có thi thể trong khu vực quản lý của mình mà không báo cáo cho cảnh sát cũng sẽ bị khép vào điều 18 “luật quy định các khung tội nhẹ” (軽犯罪法、けいはんざいほう、)
Mở rộng thêm ở khung hình phạt cao hơn, điều 191 BLHS Nhật Bản: Nếu phạm tội đào bới mồ mả, người có hành vi xâm hại, vứt bỏ, đánh cắp thi thể, di cốt, tóc, hoặc những vật được an táng trong quan tài chịu hình phạt từ 3 tháng đến 5 năm tù giam (墳墓発掘罪を犯し、死体、遺骨、遺髪、または棺内に蔵置した物を損壊、遺棄または領得した者は、三月以上五年以下の懲役に処する。)