TẠI SAO NGƯỜI NHẬT LẠI KHÓ HIỂU ĐỐI VỚI NGƯỜI NƯỚC NGOÀI?
Mình tham gia một lớp dạy hòa giải do cô giáo chuyên gia hòa giải người gốc Nhật ở Mỹ dạy và học được khái niệm “Văn hóa ngữ cảnh cao tầng” 高文脈文化 (high-context cultures), và “Văn hóa ngữ cảnh thấp tầng” 低文脈文化 (low-context cultures) rất hay muốn giới thiệu với mọi người.
Văn hóa ngữ cảnh cao tầng, hay “văn hóa giàu ngữ cảnh” chỉ nền văn hóa mà những thành viên trong cộng đồng đó thấu hiểu quy tắc, tiêu chuẩn thống nhất trong xã hội. Có nghĩa là họ cùng chia sẻ những giá trị quan chung của cộng đồng mà không cần thiết phải thể hiện, nói trực tiếp, nói rõ ràng thông điệp với nhau. Trong văn hóa ngữ cảnh cao tầng, mọi người có xu hướng tôn trọng quyết định tập thể, hòa mình vào đám đông, không thích thể hiện bản thân. Các quốc gia Châu Á, đặc biệt là Nhật Bản là ví dụ điển hình của “văn hóa ngữ cảnh cao tầng”.
Văn hóa ngữ cảnh thấp tầng, hay “văn hóa nghèo ngữ cảnh”, ngược lại chỉ nền văn hóa có nhiều quy tắc, tiêu chuẩn khác nhau. Do đó, trong nền văn hóa đó, họ sẽ phải nói rõ, nói thẳng bằng lời để giao tiếp. Trong nền văn hóa này, ngược lại, các cá nhân có xu hướng xem trọng các giá trị cá nhân thường thể hiện cái tôi cá nhân trước đám đông. Dễ nhận thấy, các nước Âu Mỹ thuộc nhóm văn hóa ngữ cảnh thấp tầng.
Khi có vấn đề cần giải quyết, người trong văn hóa ngữ cảnh thấp tầng có xu hướng đi thẳng vào vấn đề tìm ra hướng giải quyết ngắn nhất. Vì không có chung các giá trịquan các quy tắc, quy chuẩn không nói cũng hiểu, trong văn hóa thấp tầng mọi người quy định chi tiết trong hợp đồng. Trong văn hóa này, nếu không có hợp đồng giấy trắng mực đen có giá trị ràng buộc pháp lý thì quá trình thương lượng đi đến thống nhất cũng trở nên vô nghĩa.
Ngược lại trong văn hóa ngữ cảnh cao tầng như Nhật Bản, các thành viên thường xem trọng quá trình thương lượng hơn nội dung chi tiết giấy trắng mực đen. Điều này cũng dẫn đến các hợp đồng ở Nhật Bản có xu hướng ngắn hơn (※1), ít chi tiết hơn hợp đồng các nước Âu Mỹ. Người Nhật thường có xu hướng xem xét kỹ lưỡng bối cảnh văn hóa xã hội, kinh nghiệm trong quá khứ, quan hệ đối nhân xử thế (人間関係), tìm các đường hướng giải quyết có liên quan để tìm cách giải quyết vấn đề. Nhiều người nước ngoài cảm thấy người Nhật thích lối vòng vo, không đi thẳng và tốn thời gian giải quyết vấn đề là vì thế.
Xem xét các ví dụ cụ thể, khi tiến hành business ở nước ngoài, cộng đồng doanh nghiệp các nước khác thường tiến hành trực tiếp với đối tác bản địa, doanh nghiệp Nhật có xu hướng tìm sự giúp đỡ của chính phủ Nhật ở nước bản xứ như thông qua Đại Sứ Quán, JICA, JETRO,… hoặc thông qua cộng đồng Nhật Bản ở nước ngoài… Vì ở nước ngoài, khác với nội địa Nhật, nếu không nói thẳng, nói rõ ràng, đối tác sẽ không hiểu. Người Nhật, doanh nghiệp Nhật không quen, cũng như không biết cách thể hiện “show up” bản thân với những người thuộc nền văn hóa khác với nền văn hóa của mình. Ngoài ra, khi làm kinh doanh với người Nhật cần phải xây dựng niềm tin, xây dựng các mối quan hệ cá nhân. Đặc điểm văn hóa này thật sự là rào cản văn hóa cho người Nhật khi làm kinh doanh trong môi trường toàn cầu hóa.
Còn đối với người nước ngoài ở Nhật, điều này sẽ khó khăn hơn rất nhiều để hiểu, hòa nhập với văn hóa người Nhật, không chỉ về vấn đề ngôn ngữ. Vì người Nhật có châm ngôn “im lặng là vàng”, sử dụng các phương pháp "phi ngôn ngữ" đểchuyển tiếp thông tin, cũng như sử dụng cách nói giảm nói tránh để không làm đối phương cảm thấy bối rối hay xúc phạm. Thậm chí, người Nhật còn lược bớt chủ ngữ, dùng các cách nói mơ hồ, gây khó hiểu khi giao tiếp cho người nước ngoài.
Thêm một nội dung đáng chú ý là vì trong xã hội thuộc văn hóa ngữ cảnh cao tầng, mọi người cho rằng những người khác trong cộng đồng đương nhiên hiểu những quy tắc này, nên không hiểu khó khăn của người nước ngoài nên không biết làm sao để giải thích, hướng dẫn người nước ngoài những quy tắc giá trị quan của xã hội.
Thêm một đặc điểm nữa là ở Nhật, mọi người có thói quen hành động theo đoàn thể, đội nhóm không thể hiện cá tính cá nhân, và có xu hướng đánh giá việc thể hiện sự mất kiên nhẫn chán nản là vô lễ, không biết quan sát tình huống “空気を読む”… Và điều dễ hiểu là người nước ngoài không biết về văn hóa ngữ cảnh cao tầng này sẽ dễ bị coi là không biết tình hình, không biết quan sát tình huống, dễ bị cô lập hay nói theo cách dân dã là bị cho ra rìa.
Lời khuyên khi giao tiếp trong cộng đồng văn hóa ngữ cảnh cao tầng như Nhật Bản là khi bạn không hiểu rõ vấn đề gì cứ mạnh dạn hỏi kỹ lại, dùng đầy đủ chủ ngữ, vị ngữ để tránh hiểu lầm, hiểu sai chỉ thị. Đồng thời trong thời gian đầu, cố gắng quan sát hành động, tư thế của những người Nhật xung quanh để tránh bị coi là “suồng sã”, hay vô lễ.
(※1) Chú thích thêm là còn nhiều lý do khác khiến hợp đồng ở Nhật Bản ngắn hơn ở Âu Mỹ như Nhật thuộc hệ thống Luật thành văn với bộ luật dân sự rất chi tiết, rõ ràng, các quan hệ quyền lợi nghĩa vụ nên không cần viết quá nhiều trong hợp đồng. Khác với ở Anh-Mỹ theo hệ thống thông luật sử dụng án lệ nên hợp đồng dân sự thường rất chi tiết. Tuy nhiên không thể phủ nhận ở Nhật, mọi người tự hiểu các quy chuẩn quy tắc không thành văn, không ai nói thành lời nên không cần nhắc lại trong hợp đồng.