Mối tương quan giữa sự dư thừa đàn ông độc thân tầng lớp lao động và những nguy cơ lớn về mặt an ninh xã hội
Góc nhìn từ những vụ tấn công giết người hàng loạt ở Nhật Bản.
Có một sự trùng hợp là chỉ trước vài ngày xảy ra vụ tấn công bằng dao trên tàu Odakyu hôm 6 tháng 8 rúng động Nhật Bản, tôi có phát biểu phân tích một bài nghiên cứu khoa học được viết cách đây 20 năm về an ninh quốc gia liên quan đến mất cân bằng giới tính ở các nước châu Á trong một lớp học về Kinh Tế Chính Trị Châu Á. Bài viết đưa ra dẫn chứng lịch sử lý giải rằng mất cân đối trong giới dẫn đến sự một số lượng lớn những người đàn ông trong tầng lớp lao động không thể tìm thấy bạn đời độ tuổi kết hôn. Khi đó sẽ xuất hiện các tổ chức tội phạm theo tổ chức ảnh hưởng đến an ninh của một quốc gia. Khi phát biểu tôi có đưa ra một số ý kiến phản luận: liệu có phải tình trạng hôn nhân là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vấn đề an ninh hay không? Hay, chính là sự thất nghiệp mới là nguyên nhân chính? Nhưng đến khi nghi phạm của vụ tấn công bằng dao kể trên Yusuke Tsushima khai rằng muốn giết "những phụ nữ hạnh phúc" làm tôi nhớ lại bài nghiên cứu của hai giáo sư Valerie M. Hudson và Andrea Den Boer và thật sự rất đáng ở suy ngẫm ở góc độ quản lý quốc gia. Vì bài nghiên cứu rất hay và rất dễ hiểu nên tôi muốn cố gắng giới thiệu với mọi người.
Bài viết này chia làm hai phần: tóm tắt lại bài nghiên cứu được viết vào năm 2002 của hai giáo sư Valerie M. Hudson và Andrea Den Boer và nêu ra những phân tích của tôi.
1. Tóm tắt nghiên cứu A Surplus of Men, a Deficit of Peace: Security and Sex Ratios in Asia's Largest States, International Security, Vol. 26, No. 4 (Spring, 2002)
1) Ở các nước châu Á đặc biệt các nước lớn đang phát triển có một sự mất cân đối nghiêm trọng giữa tỉ lệ sinh nam-nữ. Dù lúc bài viết được xuất bản, số liệu không được thu thập một cách cẩn thận và chính xác thì sự chênh lệch này ở tỉ lệ sinh này ở Trung Quốc, Ấn Độ, v vđã là 110:100~120:100. Tức là khi có 110-120 bé trai mới có 100 bé gái. Điều này đế từ việc chọn lọc giới tính trẻ: bao gồm cả việc giết các bé gái (chủ động và bị động), phá thai hay là gần đây là các kỹ thuật sinh sản hiện đại.
2) Điều này dẫn đến một sự dư thừa số lượng lớn đàn ông trong độ tuổi kết hôn từ 15-34 không thể kết hôn vì không có đủ phụ nữ độc thân để kết hôn, v v. Con số này ở Ấn Độ và Trung Quốc đến năm 2020 là 35 triệu người. Hầu hết những người này là những người trong nhóm xuất thân gia đình có lao động có thu nhập thấp, có trình độ học vấn không cao, việc làm không ổn định và thu nhập thấp,... mất đi các lợi thế trong việc chọn bạn đời khi trong độ tuổi kết hôn. Khi những nhóm người này tụ họp với nhau sẽ đến các nguy cơ về việc kết hợp thành lập những băng nhóm tội phạm có tổ chức.
Đây không phải là những lo lắng suy diễn vô căn cứ. Hai tác giả trong bài đã đưa ra những dẫn chứng thuyết phục trong lịch sử: tình hình Bồ Đào Nha thời Trung Cổ, vụ nổi loạn Niệp Quân ở Trung Quốc (1851-1863) khi đó với tỷ lệ nam nữ kỷ lục là 129:100. Thêm một dẫn chứng hết sức thú vị là các giáo phái võ thuật nổi tiếng cảngàn năm của Trung Quốc như Thiếu Lâm Tự cũng bắt đầu và phát triển từ những thầy tu vốn xuất thân nghèo khó muốn tìm một cơ hội để có được địa vị cao hơn trong xã hội. (Đến đây thì tôi đã hiểu được những bang phái thần thánh trong truyện Kim Dung như Võ Đang, Thiếu Lâm, Cái Bang,... được hình thành trong bối cảnh xã hội như thế nào.)
Phần này kết luận là chính người đang ôn độc thân một cách không tự nguyện “Bare branches” trong xã hội mất cân bằng giới tính, dư thừa quá nhiều nam giới chính là nguồn cơn dẫn đến bạo lực, tội ác trong xã hội
3) Điều này dẫn đến chính phủ cần có hệ thống quản lý nghiêm khắc hơn để duy trì an ninh trật tựtrong xã hội, cũng như có được sự tuân phục từ nhóm những người này.
Các biện pháp - chiến lược cụ thể mà chính phủ thường áp dụng: a) Giảm số lượng, giảm tỷ lệ mất cân bằng nam giới, b) Tuyển dụng nhóm những người đàn ông độc thân này vào quân đội hoặc cảnh sát, c) Để cho những nhóm này tự diệt nhau (Nghe hệt như phim chưởng Tàu, hay mafia Hollywod), d) Gửi nhóm người này đi những nơi khác (những vùng xa hơn trong nội địa hoặc gửi đi lao động ở nước ngoài)
4) Tình hình tại năm 2001 ở Trung Quốc Ấn Độ thật đáng báo động khi những bất ổn về an ninh tăng cao, và tội phạm ở nhóm người yếu thế về mặt kinh tế: như lao động nông thôn, những người thất nghiệp, thợ thủ công,... Ở Ấn Độ tình hình còn tồi tệ hơn : ở một số bang kém phát triển còn xảy ra tình trạng bắt cóc – như một ngành công nghiệp đang lên và cưỡng hiếp.
Điều này đòi hỏi chính phủ phải rất cẩn trọng trong quản lý vì nếu quản lý thất bại, cái giá phải trả là cực đắt.
5) Cuối cùng tác giả đưa ra hai dự đoán: a) Ở các nước châu Á thì sẽ càng khó dân chủ hơn vì chính phủ phải dùng các biện pháp mạnh tay để trấn áp bạo lực & sự phạm pháp từ tầng lớp này, b) Sẽ có xung đột nhiều hơn giữa các quốc gia mà tỉ lệ mất cân đối giới tính cao (như Ấn Độ - Pakistan) vì đàn ông ở những quốc gia này sẽ có xu hướng bạo lực cao hơn.
Cuối cùng tác giả kết luật việc cân bằng giới tính tự nhiên trong xã hội là một tài sản công cộng “Public Goods”. Nếu chính phủ thất bại trong việc bảo vệ “tài sản công cộng” này thì hậu quả tiêu cực sẽ rất rõ ràng.
2. Ý kiến
Thật ra khi đọc bài tôi đồng ý đến 95% phần trăm các luận điểm của 2 tác giả. Tuy nhiên vẫn có 1 điểm tôi “không phục” là tác giả quá nhấn mạnh đến vấn đề hôn nhân, việc không thể kết hôn là nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng bạo lực và tội phạm có tổ chức. Tôi lại nghĩ ở các nước đang phát triển chính sự nghèo đói, nạn thất nghiệp mới là nguyên nhân chính. Lúc phát biểu tôi đưa ra đủ luận điệu, logic toán học thống kê để phản biện:
a) Quy luật cung cầu: khi cha mẹ thấy cung nữ thấp, chi phí để cho con trai tôi kết hôn cao hơn sẽ tự động xem xét lại việc quyết định cố gắng chọn giới tính cho tôi,
b) Có các yếu tố khác có thể tăng khả năng kết hôn này ở thời hiện đại như: tỷ lệ ly hôn cao (tức tăng khả năng một người đàn ông có thể kết hôn 1 lần trong đời), tỷ lệ kết hôn đồng giới nam cũng tăng (con số này cũng ko ít nha), việc kết hôn quốc tế cũng phổ biến hơn,
c) Liệu việc không kết hôn có phải là nguyên nhân chính, khi hiện tại xu hướng độc thân ngày càng phổ biến và tăng cao kể cả ở các nước giàu và nghèo. Khi không kết hôn nhưng nếu một người đàn ông có công việc cuộc sống vật chất ổn định có sự thỏa mãn về cuộc sống thì anh ta không có có xu hướng bạo lực.
Khi đó thầy tôi bảo em chưa hiểu gì về đàn ông cả. Theo khoa học thì hormon nam trong đàn ông khiến anh ta có xu hướng bạo lực cao hơn phụ nữ rất nhiều. Khi đàn ông kết hôn thì các xu hướng các hormon “bạo lực” này cũng được điều tiết để không phát tác thành các hành vi bạo lực.
Tôi nghe cũng bán tín bán nghi thôi nhưng đến khi đọc các tin về đối tượng Yusuke Tsushima khai rằng vì bị xem thường trong trường học khi đi hẹn hò mà anh ta nuôi trong lòng sự thù ghét đối với phụ nữ đối với phụ nữ xinh đẹp và thành công, đến khi tâm trí không thể kiểm soát được thì gây ra vụ tấn công giết người hàng loạt. Vì tấn công bằng dao nên mức độ sát thương không lớn và hiểu lầm dẫn đến việc phóng hỏa từ dầu ăn không thành nên mức độnghiêm trọng so với 2 vụ việc nổi tiếng trong quá khứ là vụ tấn công bằng xe và bằng dao đâm liên tiếp làm chết 7 người và hơn 10 người khác bị thương ngay giữa trung tâm Tokyo (2008), vụ Vụphóng hoả Kyōto Animation khiến 36 người chết 34 người bị thương (2019).
Điều đáng nói là ở cả vụ việc đều có những điểm chung nhất định: kẻ phạm tội và nghi phạm là những người đàn ông độc thân trong lứa tuổi 25-40, có việc làm không ổn định và cuộc sống bấp bênh, sinh ra suy nghĩ tiêu cực muốn trả thù xã hội với bất kỳ người nào.
Có một điều đáng chú ý, do tính cách của người Nhật thường không dễ quá thân thiết với người khác, nên những thành phần “manh động” kể trên không tập trung thành những nhóm tội ác và hành động độc lập. Tuy nhiên nếu ở các nước khác như Việt Nam, mọi người “dễ thân hơn”, nếu những người có ý định phạm tội tham gia lập nhóm thành những băng đảng tội phạm thì quả thực là vấn đề rất đáng lo cho an ninh xã hội.
Quay trở lại với việc mất cân bằng giới tính. Ở châu Á thường có suy nghĩ sinh con trai để duy trì nòi giống nối dõi tông đường. Trong suy nghĩ tuyền thống sinh ra con gái thì nòi giống của dòng họ sẽ bị cắt tại thế hệ đó. Ngày nay hầu như ai cũng biết là điều này HOÀN TOÀN SAI về mặt sinh học, cũng như mọi người biết rằng đẻ con trai có thể có nhiều nguy cơ “ế vợ” trong tương lai. Tuy nhiên ai cũng nghĩ 10 % số lượng đàn ông bị ế đó chắc là số đó chừa con mình ra nên thực trạng muốn đẻ con trai vẫn rất cao. Nhất là khi mọi người đều mong muốn sinh đẻ ít thì ai cũng muốn đứa con đấy sẽ là con trai. Khoan nói các vấn đềphân biệt giới tính, bình đẳng giới, nữ quyền thì việc cố gắng hạn chế bạo lực, tội phạm mà phần rất lớn đến từ nam giới cũng đáng để mọi người suy nghĩ lại việc cố gắng để sinh con trai.